Loading Articles!

Khi trầm cảm vô phương cứu chữa, còn có một bài thuốc: Hy vọng (Y học đức hạnh)

2025-04-02T00:00:00Z


Ở tuổi 61, Ursula Dusolt sống một cuộc sống yên bình tại Đức, bao quanh bởi người chồng chu đáo, ba đứa con trưởng thành và sáu đứa cháu khỏe mạnh. Tuy nhiên, con đường đi đến hạnh phúc của bà không hề dễ dàng. Trong nhiều thập kỷ, bà đã đấu tranh với chứng lo âu và trầm cảm nghiêm trọng. “Thực ra, tôi từng chẳng có gì cả,” bà nói. Kể từ khi 2 tuổi, Ursula Dusolt đã bị một người đàn ông lạm dụng, một chấn thương mà không bé gái nào nên phải chịu đựng. Trải nghiệm này vô tình đã tạo ra trong bà cảm giác bất lực và buồn bã, những cảm xúc này càng trầm trọng thêm khi bà bước vào tuổi thiếu niên và chuyển thành trầm cảm khi trưởng thành. Bà cảm thấy mình không có giá trị, không được yêu thương và không có lý do để sống. Khi bà kết hôn, cảm giác tuyệt vọng vẫn tiếp tục. “Tôi thở, nhưng thực sự tôi không sống,” bà giải thích. Tuy nhiên, bà vẫn tiếp tục sống vì cảm giác trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng các con. “Khi tôi 44 tuổi, các con tôi đã thành thiếu niên và tôi đã mất hết hy vọng và niềm tin rằng tình hình của tôi có thể cải thiện được,” bà chia sẻ. “Tôi chỉ muốn có được sự bình yên và được giải thoát khỏi gánh nặng không thể chịu đựng nổi trong cuộc sống của mình.” Trước khi bà tìm ra lối thoát, người em trai của Ursula Dusolt, người mà bà đã không gặp trong nhiều năm, đã đến thăm bà từ Nam Phi. “Cậu ấy đã mời tôi đi ăn tối, chính điều này sẽ thay đổi cuộc đời tôi,” bà kể lại. Trong bữa tối, người em trai của Ursula Dusolt đã đưa cho bà một cuốn sách. Sau đó, tại nhà, bà bắt đầu đọc cuốn sách và nhanh chóng bị nội dung của sách thu hút. Một cảm giác đã bị quên lãng từ lâu bỗng trỗi dậy trong trái tim bà: niềm hy vọng. Chuyển hoá cả tâm lẫn thân Cuốn sách này là Chuyển Pháp Luân, tác phẩm chính của Pháp Luân Công, một phương pháp tâm linh có nguồn gốc từ truyền thống Phật gia. Cuốn sách này đã cung cấp cho Ursula một la bàn. Nó giúp bà sử dụng các nguyên lý về sự chân thật, lòng từ bi và khoan dung (Chân – Thiện – Nhẫn) để điều chỉnh bản thân trong sự hỗn loạn nội tâm và nỗi lo âu mà bà cảm nhận. Phương pháp này nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa tâm linh thông qua tự quán chiếu và điều chỉnh tâm thái phù hợp với các đức tính Chân – Thiện – Nhẫn này. Nhanh chóng, Ursula đã trải qua một sự chuyển hóa sâu sắc. Bà học cách nhìn vào bên trong mình, loại bỏ những điều tiêu cực đã ngự trị trong bà, và trong quá trình đó, bản chất thật sự của bà đã dần hé lộ. “Thực sự, tính cách của tôi vốn dĩ là nhanh nhẹn, năng động và hoạt bát,” bà khẳng định. “Nhưng nỗi đau [của trầm cảm] đã ngày càng lấy đi những đặc điểm đó của tôi.” Theo thời gian, bà học cách nhìn nhận mọi thứ một cách bình tĩnh, phát triển một tâm lý tích cực trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Khi bà dần giải thoát khỏi gánh nặng nặng nề của tuyệt vọng, sức khỏe thể chất của bà đã cải thiện một cách đáng kể. Những cơn đau tê liệt ở chân và đầu, những nỗi dằn vặt bà chịu đựng suốt nhiều năm – những người bạn đồng hành thường trực của nỗi khổ đau tinh thần – đã biến mất. Quan trọng hơn, ý nghĩ tự tử của bà đã hoàn toàn tan biến. Bà cảm thấy mạnh mẽ hơn, ngủ ngon hơn và có thể chăm sóc tốt hơn các công việc hàng ngày. Bà thậm chí bắt đầu mỉm cười trở lại. Ảnh: Bà Ursula Dusolt đã mỉm cười trở lại. Hy vọng có thể chữa lành “Hy vọng là niềm tin rằng tương lai của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn hôm nay và chúng ta có khả năng làm cho nó trở nên tốt đẹp hơn,” Chan Hellman, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về hy vọng tại Đại học Oklahoma, cho biết với Epoch Times. Theo Chan Hellman, trong trường hợp của Ursula Dusolt, việc tìm được đức tin đã mang lại cho bà một ý nghĩa, một mục đích và một sự kết nối, cho phép bà tìm lại một phần hy vọng mà bà đã không cảm nhận được trong suốt nhiều thập kỷ. Tâm trạng của bà đã thay đổi, chuyển từ chủ nghĩa bi quan và tránh né sang chủ nghĩa lạc quan và thành công. “Tất cả bắt đầu từ hy vọng,” Chan Hellman nói. Hành trình của Ursula Dusolt phản ánh một số lượng nghiên cứu ngày càng tăng về tác dụng của hy vọng đối với sức khỏe. Chan Hellman xác nhận rằng hàng ngàn nghiên cứu khoa học hiện nay chỉ ra rằng hy vọng làm giảm đau đớn và làm giảm trầm cảm, lo âu và ý nghĩ tự tử. Khi con người đầy hy vọng, họ dễ dàng tưởng tượng ra một tương lai tốt đẹp hơn và làm việc để đạt được nó, từ đó giảm bớt cảm giác bất lực và tuyệt vọng. Sự thay đổi quan điểm này có những hiệu quả rõ rệt và quan trọng đối với sức khỏe. Một nghiên cứu của Đại học Harvard với gần 13.000 người tham gia cho thấy những người có nhiều hy vọng giảm được 43% trầm cảm, giảm 16% tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân và giảm 12% nguy cơ ung thư, so với những người có ít hy vọng. Theo các tác giả của nghiên cứu, những can thiệp dựa trên hy vọng có thể làm giảm các “cái chết vì tuyệt vọng” và cải thiện sức khỏe cộng đồng trong tất cả các quần thể. Tác động của lòng hi vọng lên các biến số sức khoẻ. (Minh hoạ: Epoch Times) Hy vọng và chiều kích tâm linh Hy vọng thường được mô tả như một quá trình nhận thức liên quan đến các mục tiêu, con đường và ý chí. Theo Chan Hellman, mục tiêu là điểm đến của chúng ta. Các con đường là những lộ trình khác nhau mà ta có thể đi, một số có thể cần phải đi vòng qua khi gặp trở ngại. Ý chí là niềm tin rằng ta có thể tiến về phía trước, ngay cả khi mọi thứ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Hellman, hy vọng có thể biểu hiện một cách siêu việt, gần như huyền bí, đặc biệt là trong những khoảnh khắc tuyệt vọng sâu sắc. Everett Worthington, giáo sư danh dự tại Đại học Virginia Commonwealth và chuyên gia lớn về hy vọng và sự tha thứ, cho rằng niềm tin tôn giáo và tâm linh mang lại mục đích và ý chí độc đáo, vì chúng thường tập trung vào những điều vĩnh cửu như Chúa và sự sống sau cái chết. Mục tiêu không phải là thực hiện một điều gì đó ngay lập tức, mà là “một sự cam kết đầy tin tưởng vì hạnh phúc vượt lên trên những gì có thể đạt được trong hiện tại, ở đây và ngay bây giờ,” ông nói với Epoch Times. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các thực hành tôn giáo, như việc đọc Kinh thánh và tham gia vào các buổi lễ thờ phụng, có thể tăng cường hy vọng và đặt nền móng cho sự kiên cường, bất kể tôn giáo của người thực hành. Chiều kích tâm linh của hy vọng trở nên đặc biệt rõ ràng đối với bệnh nhân giai đoạn cuối. Michael Barry, tác giả và cựu giám đốc chăm sóc tâm linh tại Trung tâm điều trị ung thư của Mỹ, đã chứng kiến sức mạnh của hy vọng trong quá trình chữa lành. “Nhiều bệnh nhân của tôi đang ở giai đoạn cuối và thường chỉ còn ít hoặc không có hy vọng sống sót, và thậm chí còn ít hy vọng có một tương lai tốt đẹp hơn,” ông nói với Epoch Times. Theo Michael Barry, “Một phần lớn của y học là đầy bí ẩn.” Ông giải thích rằng một số bệnh nhân của ông, những người vẫn giữ được hy vọng, đã có những trường hợp thuyên giảm đáng kể. Ông kể về một tín đồ, người được chẩn đoán bị ung thư cột sống. Sau khi cầu nguyện với ông Barry, tín đồ đó cảm nhận được một luồng nóng ấm bao phủ cơ thể mình. Ngày hôm sau, anh ấy đến bác sĩ và phát hiện rằng khối u đã biến mất – điều mà khoa học y tế gọi là “sự thuyên giảm tự phát” hoặc, thông thường hơn, một “phép màu y học”. “Anh ấy và tôi đều biết rằng Chúa đã đáp lại lời cầu nguyện,” ông Barry nói. “Niềm hy vọng không vượt qua nỗi đau, chính Chúa đã làm điều đó. Chính Chúa đã làm điều đó.” Đối với ông, việc nuôi dưỡng hy vọng gắn liền sâu sắc với tâm linh. “Cuộc sống không phải là tránh né đau khổ,” ông nói. “Nó là về việc tin tưởng vào Chúa để Ngài an ủi và nâng đỡ chúng ta trong đau khổ và cứu chuộc cuộc sống của chúng ta, dù là trong cuộc sống này hay cuộc sống tiếp theo.” Tìm thấy ánh sáng Chan Hellman, người đã nghiên cứu hy vọng hơn 15 năm, nhấn mạnh rằng hy vọng là một trạng thái tinh thần và một kỹ năng có thể được dạy và duy trì, chứ không phải là một đặc điểm tính cách mà một số người sở hữu còn những người khác thì không có. Trong trường hợp của Ursula Dusolt, việc thực hành thiền – một phần quan trọng trong giáo lý tâm linh của bà – đã trở thành một phương tiện mạnh mẽ để nuôi dưỡng hy vọng. “Giữa sự hỗn loạn, thật khó để tập trung vào con đường đi tiếp theo,” Chan Hellman giải thích. “Chánh niệm giúp chúng ta làm dịu tâm trí tạm thời và nhìn thấy một con đường đi qua sự hỗn loạn.” “Hy vọng không phải là ánh sáng ở cuối đường hầm. Hy vọng là tìm thấy ánh sáng trong đường hầm.” Thường thì chỉ cần nhận ra những gì nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta và thiết lập các mục tiêu có thể đạt được, điều này cho phép chúng ta phát triển các con đường và hành động tạo nên hy vọng. Đối với Ursula, điều này thể hiện qua việc thực hành khẳng định hàng ngày. Bà bắt đầu mỗi ngày bằng cách tự nhủ: “Dù chuyện gì xảy ra, tôi sẽ vượt qua được.” Câu nhắc nhở đơn giản này phản ánh sự chấp nhận của bà đối với những bất định trong cuộc sống và niềm tin vào khả năng vượt qua chúng – chính là bản chất của hy vọng trong hành động. Hơn nữa, hy vọng là một món quà xã hội có thể nhận được và trao đi, theo Chan Hellman. Ông đã kể lại một khoảnh khắc trong cuộc đời mình khi còn là một thiếu niên vô gia cư, ông nhận được sự khích lệ đơn giản nhưng sâu sắc từ một người thầy: “Chan, con sẽ vượt qua được.” Những lời này đã thắp lên trong ông một cảm giác hy vọng, thúc đẩy ông tiếp tục tiến bước trong những hoàn cảnh khó khăn. Trải nghiệm này đã chứng minh rằng hy vọng có tính lan truyền – nó có thể được truyền tới người khác bằng cách công nhận những lời nói hướng về tương lai của họ, động viên họ và chia sẻ những câu chuyện về sự kiên cường và kiên trì. Ngày nay, là bà của sáu đứa cháu, Ursula Dusolt thường xuyên tham gia công tác tình nguyện trong khu phố của mình. Bà và chồng thường xuyên đi du lịch và dành thời gian ở trong thiên nhiên. Bà cũng đã bắt đầu đam mê nhiếp ảnh thiên nhiên, điều này giúp bà học được sự kiên nhẫn và chánh niệm. “Tôi bắt đầu sống cuộc đời thực sự của mình khi 44 tuổi,” bà nói. “Tôi bắt đầu trải nghiệm sự tồn tại của mình và những gì cuộc sống bao hàm.” “Tôi sống trọn vẹn ngay bây giờ.” Đọc trọn bộ Y học đức hạnh Theo Epoch Times Thanh Ngọc biên dịch

Profile Image Erik Nilsson

Source of the news:   Www.dkn.tv

BANNER

    This is a advertising space.

BANNER

This is a advertising space.